Truy cập nội dung luôn

DỰ BÁO Tình hình sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 (Từ ngày 01-15/4//2023)

03/04/2023 09:07    47

DỰ BÁO Tình hình sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 trên địa bàn tình Quảnh Ngãi (Từ ngày 01-15/4//2023)

I. Tình hình thời tiết và sinh trưởng cây trồng thời gian qua

1. Tình hình thời tiết

         Những ngày giữa - cuối tháng 3/2023 thời tiết nắng ấm, xen kẻ mưa rào rải rác. Nhiệt độ trung bình 26,20C, cao nhất 30,60C, thấp nhất 23,20C, ẩm độ trung bình 82,1%, tổng lượng mưa 4,7 mm.

2. Tình hình sinh trưởng cây trồng thời gian qua

2.1. Cây lúa:

Tổng diện tích đã sạ 37.914,6 ha, trong đó:

          - Trà lúa sớm: Diện tích  6.624,7 ha, đang giai đoạn chín - thu hoạch.

- Trà lúa chính vụ: Diện tích 27.946,0 ha, đang giai đoạn trổ đều -vào sữa.

- Trà lúa muộn: Diện tích 3.343,9 ha, đang giai đoạn đòng - trổ.

2.2. Cây rau màu, cây lâm nghiệp: 

          - Cây ngô:  Tổng diện tích: 4.207,7 ha, nhiều giai đoạn sinh trưởng.

          - Rau các loại: Tổng diện tích: 5.545,3 ha, nhiều giai đoạn sinh trưởng.

          - Cây sắn: Tổng diện tích: 10.015,4 ha, đang giai đoạn cây con - phát triển thân lá.

          - Cây tỏi: Tổng diện tích: 325,0 ha, thu hoạch xong.

          - Cây lạc: Tổng diện tích: 4.563.8 ha, giai đoạn phân cành - thu hoạch .

          - Đậu các loại: Tổng diện tích: 1.563,0 ha, nhiều giai đoạn sinh trưởng.

          - Cây ớt: Tổng diện tích: 1.076,5 ha, đang phát triển quả - thu hoạch.

- Cây hành: Tổng diện tích: 108,0 ha, phát triển củ - thu hoạch.

- Cây dưa hấu: Tổng diện tích: 697,1 ha, mới trồng - thu hoạch.

II. Tình hình sinh vật gây hại cây trồng thời gian qua

1. Cây lúa:  

- Chuột: Gây hại phổ biến trên các trà lúa giai đoạn đòng - chắc xanh. Tổng diện tích nhiễm là 3.131,0 ha. Trong đó: nhiễm nhẹ 1.751,5 ha, nhiễm trung bình 921,5 ha, nhiễm nặng 458,0 ha. Phân bố ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Sơn Tây và Lý Sơn).

- Sâu cuốn lá nhỏ: Gây hại trên các trà lúa giai đoạn đòng – trổ. Tổng diện tích nhiễm là 30,0 ha. Trong đó: nhiễm nhẹ là 26,0 ha, nhiễm trung bình 4,0 ha. Phân bố ở các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành và TX.Đức Phổ.

- Rầy nâu, rầy lưng trắng: Gây hại trên các trà lúa từ đòng - chắc xanh. Tổng diện tích nhiễm 189 ha. Trong đó: nhiễm nhẹ 148,0 ha, nhiễm trung bình 32,5 ha, nhiễm nặng 8,5 ha. Phân bố ở các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa và TX.Đức Phổ.

- Bệnh đạo ôn lá: Gây hại trên trà lúa giai đoạn đòng. Tổng diện tích nhiễm là 750,5 ha. Trong đó: nhiễm nhẹ 538,0 ha, nhiễm trung bình 171,5 ha, nhiễm nặng 41,0 ha. Phân bố ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức,  Nghĩa Hành, TP.Quảng Ngãi.

- Bệnh đạo ôn cổ bông: Gây hại trên trà lúa từ trổ - chắc xanh. Tổng diện tích nhiễm 87,2 ha. Trong đó: nhiễm nhẹ 72,7 ha, nhiễm trung bình 12,5 ha, nhiễm nặng 2,0 ha. Phân bố ở các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn và TX.Đức Phổ.

- Bệnh khô vằn: Gây hại trên trà lúa giai đoạn làm đòng - chắc xanh. Tổng diện tích nhiễm 1.160,0 ha. Trong đó: 785,5 ha nhiễm nhẹ, 307,5 ha nhiễm trung bình, nhiễm nặng 67,0 ha. Phân bố ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Minh Long, Ba Tơ, Nghĩa Hành, TX. Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi.

- Bệnh đen lép hạt: Gây hại cục bộ trên trà lúa giai đoạn trổ - chắc xanh. Tổng diện tích nhiễm là 457,7 ha. Trong đó: nhiễm nhẹ 331,2 ha, nhiễm trung bình 112,0 ha, nhiễm nặng 14,5 ha. Phân bố ở huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Minh Long, Sơn Tây, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi.

Ngoài ra còn có bọ xít dài, bệnh chết héo, bệnh đốm nâu… gây hại cục bộ trên các trà lúa.

2. Cây rau màu, cây công nghiệp và cây lâm nghiệp  

- Sâu keo mùa thu: Gây hại cục bộ trên cây ngô giai đoạn loa kèn. Tổng diện tích nhiễm là 6,5 ha, tất cả đều ở ngưỡng nhiễm nhẹ. Phân bố ở huyện Sơn Tịnh.

- Bệnh thán thư: gây hại trên cây ớt giai đoạn phát triển – thu hoạch. Tổng diện tích nhiễm là 32,0 ha. Trong đó: nhiễm nhẹ 22 ha, nhiễm trung bình 10 ha. Phân bố ở các huyện Bình Sơn và Tư Nghĩa.

- Bệnh héo xanh: gây hại trên cây ớt, cây lạc giai đoạn phát triển quả - thu hoạch. Tổng diện tích nhiễm 37,0 ha. Trong đó nhiễm nhẹ là 29,5 ha, nhiễm trung bình là 7,5 ha. Phân bố ở các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành và TX.Đức Phổ.

- Bệnh đốm nâu: Gây hại cục bộ trên cây lạc giai đoạn ra hoa - phát triển quả. Tổng diện tích nhiễm là 15,0 ha. Trong đó: nhiễm nhẹ là 14,5 ha, nhiễm trung bình là 0,5 ha. Phân bố ở các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa hành và TX.Đức Phổ.

- Bệnh khảm lá virus: Gây hại trên cây sắn giai đoạn cây con-phát triển thân lá. Tổng diện tích nhiễm 2.742,0 ha. Trong đó: nhiễm nhẹ 460,0 ha, nhiễm trung bình 399,0 ha, nhiễm nặng 1.883,0 ha. Phân bố ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Lý Sơn)

- Bệnh chết cây keo: Gây hại trên cây keo chủ yếu ở giai đoạn 1-4 năm tuổi. Tổng diện tích nhiễm là 423,2 ha, tỉ lệ cây bị chết từ 3-20%, nơi cao 25-40%. Phân bố ở các huyện Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Sơn Tây, Sơn Hà, Bình Sơn, Minh Long , TX. Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi.

- Bệnh tua mực: Gây hại trên cây quế giai đoạn từ 1-10 năm tuổi. Tổng diện tích nhiễm 160 ha. Trong đó: nhiễm nhẹ là 90 ha, nhiễm trung bình là 70 ha. Phân bố ở huyện Trà Bồng.

   Ngoài ra còn có sâu tơ, sâu khoang, sâu đục trái, sâu xanh da láng, ruồi đục quả, nhện đỏ, bọ trĩ, bệnh sương mai, bệnh gỉ sắt, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá, bệnh đốm mắt cua, bệnh thối nhũn, bệnh lở cổ rễ... gây hại cục bộ trên các loại rau màu.

               III.  Dự  báo tình hình sinh vật  gây hại cây trồng  vụ  Đông  Xuân  2022 - 2023

            (Từ ngày 01- 15/4/2023)

          1. Cây lúa

- Chuột: Tiếp tục phát sinh phát triển gây hại phổ biến trên các trà lúa từ đòng – chắc xanh. Đặc biệt, những ruộng ven làng, gần bụi rậm thường bị chuột gây hại nặng.

- Rầy nâu, rầy lưng trắng: phát sinh gây hại phổ biến trên các trà lúa từ giai đoạn đòng – chắc xanh.

- Bệnh đạo ôn cổ bông: Phát sinh gây hại phổ biến trên lúa giai đoạn trổ-chắc xanh. Những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, cổ lá, những ruộng sử dụng giống nhiễm, ruộng bón thừa đạm… sẽ bị gây hại nặng.

- Bệnh khô vằn: Tiếp tục phát sinh phát triển gây hại phổ biến trên các trà lúa từ đòng - chắc xanh.

- Bệnh đen lép hạt: tiếp tục phát sinh gây hại trên trà lúa giai đoạn trổ đều - chắc xanh.

Ngoài ra còn có nhện gié, bọ xít dài, bệnh vàng lá sinh lý, bệnh chết héo, bệnh đốm nâu... gây hại cục bộ trên các trà lúa.

2. Cây rau màu và cây lâm nghiệp

- Sâu keo mùa thu: Tiếp tục phát sinh gây hại trên cây ngô giai đoạn cây con - loa kèn.

- Bệnh thán thư: Tiếp tục phát sinh phát triển gây hại trên cây ớt đang giai đoạn phát triển quả - thu hoạch.

- Bệnh héo xanh, héo vàng: Tiếp tục phát sinh phát triển gây hại cục bộ trên cây ớt và cây lạc giai đoạn phát triển quả - thu hoạch.

- Bệnh đốm nâu: Tiếp tục phát sinh gây hại cục bộ trên cây lạc giai đoạn phát triển quả - thu hoạch.

- Bệnh đốm mắt cua, nhện nhỏ, bọ trĩ, rệp muội phát sinh gây hại cục bộ trên cây ớt.

- Bệnh khảm lá virus: Tiếp tục phát sinh phát triển gây hại phổ biến trên cây sắn tại các vùng trồng sắn giai đoạn cây con-phát triển thân lá. Bệnh gây hại nặng trên ruộng sắn sử dụng hom giống vụ trước đã bị nhiễm bệnh làm giống và lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng.

- Bệnh chết cây keo: Tiếp tục gây hại tại những vùng trồng keo đã bị nhiễm bệnh.

- Bệnh tua mực: Tiếp tục gây hại trên cây quế giai đoạn từ 1-10 năm tuổi tại huyện Trà Bồng.

Ngoài ra còn có sâu tơ, sâu khoang, sâu đục thân, dòi đục lá, ruồi đục quả, bọ nhảy, sâu xanh da láng, tuyến trùng rễ, rệp, bệnh giả sương mai, bệnh đốm phấn, bệnh khô vằn, bệnh lở cổ rễ ... gây hại cục bộ trên các loại rau màu.

IV. Giải pháp chỉ đạo

Để hạn chế thiệt hại do sinh vật gây hại gây ra đối với sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi đề nghị Phòng Nông nghiệp/Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện/thị xã/thành phố thông báo, hướng dẫn các địa phương, các HTX Nông nghiệp và bà con nông dân trong thời gian từ ngày 01-15/4/2023 thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, thực hiện tốt một số biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại chủ yếu sau:

1. Cây lúa        

            - Đối với chuột: Tuyên truyền hướng dẫn nông dân thường xuyên diệt chuột bằng nhiều biện pháp, trong đó chú trọng các biện pháp bẫy cơ học, bảo vệ các loại thiên địch của chuột như rắn, chim cú… Khi cần sử dụng thuốc để diệt chuột thì nên ưu tiên các loại thuốc trừ chuột thế hệ mới có hoạt chất như Bromadiolone, Coumatetralyl, Flocoumafen…(có tên thương phẩm như Kingcat 0.05RB, Cat 0.25WP, Racumin 0.75TP, Ratmiu 0.75TP, Storm 0.005% block bait, Broma 0.005AB, Hicate 0,08AB…).

- Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, nhất lá những ruộng sạ dày, nếu phát hiện mật độ rầy từ 2-3 con/dãnh lúa trở lên thì dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau: Abamectin, Abamectin + Lambda-cyhalothrin, Flonicamid + nitenpyram, Buprofezin, Acetamiprid + Imidacloprid, Dinotefuran, Pymetrozine  (có tên thương phẩm: Achetray 500WP, Acimetin 5EC, Anproud 70WG, Azorin 400WP, Cyo super 200WP, Chess 50WG, Actamectin 75EC, Anvado 100SL …) để phun trừ.

* Chú ý: + Khi phun thuốc trừ rầy phải giữ mực nước trong ruộng từ 5-7cm, phun ước đẫm phần thân và gốc lúa.

               + Sau khi phun thuốc từ 4-5 ngày kiểm tra lại ruộng lúa, nếu mật độ rầy còn cao thì phun lại lần 2 bằng một trong các loại thuốc trên.

- Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Những ruộng lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, cổ lá, những ruộng lúa bón thừa đạm, khi lúa trổ cần sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Isoprothiolane, Fenoxanil + Isoprothiolane, Propiconazole + Tricyclazole, Iprobenfos, Tebuconazole + Tricyclazole, Acrylic acid 4%+Carvacrol 1%, Azoxystrobin, Bacillus subtilis (có tên thương phẩm: Fuan 40EC, Fuji-one 40EC, Trizole 400SC, Kasai-S 92SC, Hextric 250SC, Lazole TSC 750WP, Fu-army 40EC, Fuzin 400EC, Tridozole 75WP, Credit 450EC, Filia 525SC, Newlia Super 525 SE, BeamTMPlus 360SC, Map Unique 750WP, Som 5SL, Star.dx 250SC, Trobin 250SC, Ace Bacis 111WP, Balus 111WP…) để phun phòng. Nên phun làm 2 lần:

+ Lần 1: Khi lúa trổ lác đác.

+ Lần 2: Sau khi phun lần 1 từ 5 – 7 ngày.

- Đối với bệnh khô vằn: Thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, nếu phát hiện tỷ lệ bệnh từ 10% trở lên thì dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau: Validamycin, Hexaconazole, Propineb (có tên thương phẩm Chevin 5SC, Anvil® 5SC, Tung vali 5SL, Vacin 5SL, Vacinmeisu 50SL, Vali 5SL, Validacin 5SL, Valigreen 100WP, Vali-navi 5SL, Valithaco 5WP, Vanicide 5WP, Antracol 70WP… ) để phun trừ.

- Đối với bệnh đen lép hạt lúa: những ruộng lúa giai đoạn từ trổ - trổ đều,  nếu gặp thời tiết sương mù vào buổi sáng thì nên sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau: Mancozeb, Propiconazole, Zineb, Azoxystrobin + Hexaconazole + Tebuconazole, Copper citrate (có tên thương mại như: Dithane M-45 80WP, Tien sa 250EC, Tilusa super, Zineb Bul 80WP, Acdino 350SC, Ải vân 6.4SL… ) để phun phòng bệnh.

Các địa phương cần tiếp tục theo dõi và chỉ đạo phòng trừ các đối tượng như: bệnh chết héo, nhện gié… khi cần thiết. Tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm tăng chi phí sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đồng ruộng sẽ gây bộc phát sinh vật gây hại ở những giai đoạn tiếp theo.

                                             2. Cây rau màu và cây lâm nghiệp.

- Đối với sâu keo mùa thu: Thường xuyên kiểm tra ruộng ngô, khi phát hiện sâu keo mùa thu trên ngô giai đoạn cây con- loa kèn, có mật độ sâu từ 2 – 4 con/m2 trở lên thì dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau: Ebamectin benzoate, Abamectin + Methoxyfenozide, Tetraniliprole, Lufenurun, Chlorfenapyr + Indoxacarb : (có tên thương phẩm như: Proclaim 5WG,, Match 050EC, Vayego 200SC, Pesedo 170SC, Fenaba 100SC… Chú ý: phun sớm khi sâu đang tuổi 1, tuổi 2 để đạt hiệu quả phòng trừ cao.

- Đối với bệnh thán thư ớt: thường xuyên kiểm tra ruộng ớt, khi phát hiện bệnh thì thực hiện các biện pháp sau:

+ Vệ sinh ruộng ớt, thu hái quả và lá bị nhiễm bệnh đem tiêu hủy để giảm nguồn bệnh.

+ Sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau: Citrus oil, Azoxystrobin, Azoxystrobin + Clorothalonil, Pyraclostrobin + Metiram, Streptomyces lydicus WYEC +Fe + Humic acid, Iprovalicarb + Propineb (có tên thương phẩm như MAP Green 6SL, Melody duo 66.75WP, Combo 600WG, Amista® 250SC, Actino-Iron 1.3SP,… để phun trừ, sau 5-7 ngày nên phun lại lần 2.

- Đối với bệnh héo xanh, héo vàng trên cây ớt, cây lạc: Hiện nay các thuốc trừ bệnh hiệu lực không cao, chủ yếu là thực hiện các biện pháp phòng bệnh và hạn chế nguồn bệnh lây lan khi bệnh xuất hiện do đó khi bệnh xuất hiện cần thực hiện các biện pháp sau:

+ Nhổ tiêu hủy toàn bộ cây có triệu chứng bệnh.

+ Dùng vôi bột rải vào vị trí cây đã nhổ.

+ Dùng các thuốc có hoạt chất Streptomyces lydicus WYEC, Streptomyces lydicus WYEC +Fe + Humic acid, Ningnanmycin, Chitosan (có tên thương phẩm như: Actino-Iron 1.3SP, Actinovate 1SP, Diboxylin 2SL, Tramy 2SL…) phun để hạn chế bệnh lây lan.

- Đối với bệnh virus khảm lá sắn: Hiện nay không có thuốc trừ bệnh này, do vậy ngay từ đầu vụ nên chọn hom giống sắn sạch bệnh để trồng, không sử dụng hom sắn trên những vùng sắn đã bị nhiễm bệnh để làm giống. Sau khi trồng thường xuyên kiểm tra ruộng sắn nếu cây con mới mọc có biểu hiện bị bệnh cần nhổ và tiêu hủy, trồng dặm lại để đảm bảo mật độ cây. Nếu phát hiện bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) thì sử dụng một trong các loại thuốc: Tenchu pro 350WP, Super King 500SL, TVG 28 650SP, Nitop 35 OD, Osago 80WG, Aoba 15EC…phun trừ để tránh lây lan ra diện rộng. Thực hiện tốt các giải pháp chăm sóc để cây sắn tăng cường sức đề kháng, giảm thiệt hại đến năng suất và hàm lượng tinh bột. Nên chuyển đổi cây trồng khác như lạc, ngô, mè… để giảm áp lực của bệnh ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.   

- Bệnh chết cây keo: Thường xuyên điều tra, theo dõi diễn biến của bệnh, áp dụng tổng hợp các biện pháp như vệ sinh vườn, tỉa cành, sử dụng giống sạch bệnh, tiêu hủy cây bị bệnh…

Ngoài ra, tùy từng địa phương có các đối tượng sinh vật gây hại cây trồng đặc thù. Cần phải theo dõi, phòng trừ kịp thời để hạn chế thiệt hại về năng suất, chất lượng và tránh lây lan ra diện rộng.

* Những lưu ý trong phòng trừ sinh vật gây hại:

- Tuyệt đối không sử dụng điện để bẫy chuột vì gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

- Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sinh vật gây hại phải tuân thủ những quy định về an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.

- Phải thực hiện nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách.

- Đọc kỹ hướng dẫn ghi trên bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật trước khi sử dụng.

- Chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để phòng trừ sinh vật gây hại./.

NTB

Tài liệu đính kèm: Dự báo sinh vật gây hại từ 01-15-4-2023..pdf

Chung nhan Tin Nhiem Mang